Sunday, January 17, 2010

Prework - Văn Hóa Doanh Nghiệp

Đề bài:
1/ Hãy phân tích và đánh giá văn hóa của xã hội mà bạn đang sống và làm việc (Việt Nam). Bạn cũng có thể so sánh với văn hóa xã hội của một số quốc gia khác mà bạn biết. (*)

2/ Hãy phân tích và đánh giá văn hóa của doanh nghiệp mà bạn đang làm việc hoặc của một doanh nghiệp mà bạn quan tâm (Lưu ý: Doanh nghiệp được phân tích và đánh giá phải là doanh nghiệp có thực và đang hoạt động).
(Độ dài: Tối đa 2.500 từ)

 (*) Yêu cầu so sánh này không bắt buộc. Tuy nhiên, học viên nào trình bày tốt yêu cầu này sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích.

Bài làm:
“Văn hóa là toàn bộ những tri thức, những tín ngưỡng, những nghệ thuật, những giá trị, những luật lệ, phong tục và tất cả những năng lực và tập quán khác mà con người với tư cách thành viên của xã hội nắm bắt được”

Edward B. Tylor - 1871
Nói đến văn hóa, cần phải nói đến nhiều các vấn đề và phạm trù rất rộng: tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, giá trị, … Trong đó, một yếu tố có thể nói là cốt lõi và mang tính quyết định đó là yếu tố con người. Trong phạm vi của bài luận, dựa trên việc phân tích và đánh giá về con người Việt Nam, dựa trên phân tích và đánh giá về con người Nhật Bản sẽ giúp chúng có cái nhìn tổng quan về văn hóa của Việt Nam nơi chúng ta đang sống và làm việc.

Tổ Quốc Việt Nam

Về chiều dài cũng như sự khắc nghiệt của lịch sử đã ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa của Việt Nam. Là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa ngoại nhập từ văn hóa Nho Giáo, văn hóa Phật Giáo cho tới văn hóa của Phương Tây, Việt Nam không bị đồng hóa bởi bất kỳ nền văn hóa nào nhưng tuy nhiên văn hóa Việt Nam cũng phải thay đổi phần nào để thích nghi được với nó.

Nếu tìm hiểu Việt Nam trên internet – kho tri thức khổng lồ của nhân loại, tìm hiểu với nhiều nguồn thông tin tin cậy thì hầu hết Việt Nam được các bạn thế giới biết đến qua các cuộc chiến tranh. Chúng ta mới chỉ được hòa bình thống nhất trong mấy chục năm, được tiếp cận với nền kinh tế thị trường trong khoảng hai mươi năm và đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người cũng như văn hóa của Việt Nam.

Tại chủ đề “Thương Mại Quốc Tế”, chúng tôi được thầy Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Người Việt Nam được ví như là người Do Thái của Châu Á” và dựa trên nhiều tấm gương các Việt Kiều tại nước ngoài đã cung cấp cho tôi một niềm tin và sự tự hào về một dân tộc thông minh, giỏi giang. Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi lại mình với một sự tủi hổ “Giỏi tại sao vẫn nghèo?”, câu trả lời dành cho tất cả chúng ta và đó sẽ là “liều thuốc” để đưa Việt Nam tiến lên.

Với 80% dân số Việt Nam là nông dân và chủ yếu là gắn với cây lúa nên con người Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó. Trí óc của tộc Việt thông minh, nhưng do chủ yếu là nông dân nên thiếu sự nhìn xa trông rộng, làm hôm nay không biết đến ngày mai và hơn nữa là không có những sáng tạo đột phá.

Và một trong những điểm hạn chế lớn nhất của người Việt đó là: thiếu tác phong công nghiệp – phong cách làm việc chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện bởi rất nhiều các yếu tố: làm ăn chộp dật, không coi trọng hợp đồng, trách nhiệm trong công việc không cao, thường đặt yếu tố cá nhân cao hơn tập thể, … Đó cũng là một vấn đề rất lớn đối với cả đất nước, cần có một giải pháp tổng thể và thực hiện một cách toàn diện.

Tiếp theo đây, dựa trên các phân tích và so sánh với con người Nhật Bản – một dân tộc mắt đen, da vàng như Việt Nam nhưng lại có sự phát triển vượt bậc sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về chính bản thân mình.

Nhật Bản – Đất nước mặt trời mọc

Có cơ hội được làm việc trong môi trường, tiếp xúc với nền văn hóa, con người Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc tới các tư tưởng và quan điểm của tôi. Họ có rất nhiều các đức tính mà dân tộc Việt Nam phải học hỏi với một thái độ trân thành. Và đó cũng là một trong những yếu tố thành công của Nhật Bản từ một nước bại trận, đã trở thành một cường quốc như ngày hôm nay.

Có óc cầu tiến và rất nhạy cảm với những thay đổi trên thế giới.
Họ không ngừng theo dõi những biến đổi của thế giới, đánh giá cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chíng đang diễn ra đối với Nhật Bản. Khi xác định được trào lưu đang thằng thế, họ sãn sàng chấp nhận, nghiên cứu và học hỏi để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ.

Người Nhật Bản rất coi trọng học vấn: Nhật Bản nghèo tài nguyên chỉ trừ một thứ tài nguyên đặc biệt không nghèo đó là con người. Và vào đầu thế kỷ XIX, Cụ Phan Châu Trinh khi sang Nhật để tìm đường cứu nước đã phải khóc lên mà thốt lên rằng: “Nhìn người ta học mới thấy mình mất nước là phải rồi”.

Giáo dục là trang bị cho con người tri thức, để họ bước vào đời một cách bình đẳng và vì vậy có cơ hội như nhau khi tạo dựng cuộc sống riêng. Hệ thống giáo dục Nhật Bản tạo cho người dân Nhật niềm tin rằng: số phận cơ may của họ được định đoạt bởi sự chăm chỉ học hành và điều quan trọng là họ cũng tin rằng tất cả họ ngay từ đầu đều có cơ hội bình đẳng như nhau. Do vậy, ý niệm về sự bình đẳng là một đặc điểm quan trọng của hệ thống giáo dục. Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục cũng đang là một vấn đề rất rất quan trọng của cả quốc gia nhưng đang bế tắc trong việc lập một tầm nhìn xa và rộng cho việc phát triển đất nước.

Tinh thần làm việc tập thể.
Đây là yếu tố đặc trưng vượt trội mà không tìm thấy được ở những quốc gia phương đông khác, trong đó có Việt Nam. Trong đời sống người Nhật, tập thể đóng vai trò rất quan trọng. Sự thành công hay thất bại trong con mắt người Nhật đều là chuyện chung của nhóm và mọi thành viên trong nhóm, bất kể anh ta đã làm ra sao, đều hưởng chung sự cay đắng hay vinh quang mà nhóm đã đạt được tập thể, nhóm ở đây có thể là công ty, trường học hay hội đoàn…

Trong làm việc người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hài hòa giữa mình và các thành viên khác trong tập thể. Các tập thể (công ty, trường học hay đoàn thể chính trị) có thể cạnh tranh với nhau gay gắt nhưng tuỳ theo hoàn cảnh và trường hợp, các tập thể cũng có thể liên kết với nhau để đạt mục đích chung.

Còn đối với người Việt Nam, qua những vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình tôi thấy một điều rất đáng buồn: tinh thần làm việc tập thể của người Việt Nam quá kém. Các cá nhân thường đặt cái tôi của mình cao hơn tập thể, một sản phẩm làm ra thường là công sức của từng người góp lại chứ ko phải là một sản phẩm của cả nhóm theo đúng nghĩa. Các các nhân thường tách mình ra khỏi tập thể khi đã cảm thấy cứng cáp, và muốn làm mọi việc theo ý mình hơn là hợp sức để cùng đạt được mục đích lớn hơn. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam tới thời điểm này chưa có một thương hiệu vào vươn tầm ra thế giới.

Lòng trung thành.
Khi lý giải về những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế và ổn định xã hội nhiều người đã nghiên cứu lòng trung thành và coi đó là một nhân tố đóng góp cho sự phát triển đó.

Người Nhật luôn bị ràng buộc trong mối quan hệ trên dưới: một bên là sự bảo hộ, một bên là sự thuần phục và trung thành. Mọi người đều có trách nhiệm tuân theo các nguyên tắc xử sự để tránh sụp đổ hay đối địch.

Hơn thế các công ty Nhật Bản tăng cường sức mạnh của chính mình bằng cách nuôi dưỡng tình cảm trung thành của các công nhân và bằng cách đào tạo họ hơn nữa. Chính sự hài hòa giữa các nhân viên của công ty và sự hiến thân của họ cho công ty, chứ không phải sự cạnh tranh giữa các nhân công riêng lẻ, mới là điểm quan trọng. Nhưng khi phải cạnh tranh với các địch thủ nước ngoài thì các công ty Nhật lại đoàn kết thành một cơ thể thống nhất. Như vậy xã hội Nhật Bản là một xã hội cạnh tranh quyết liệt nhưng không tạo ra sự cạnh tranh giữa các cá nhân, cá nhân phải làm việc quên mình cho cuộc cạnh tranh của nhóm.

Đối với những bạn mà tôi có cơ hội làm việc và trao đổi, thì tư tưởng “nhảy việc” đối với họ là chuyện bình thường, có nghĩa là: “không làm được ở đây thì làm chỗ khác, lo gì!”. Và đây cũng một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam thường không ổn định về mặt nhân sự, tập hợp được những nhân sự giỏi phù hợp với công ty để có thể phát triển lớn mạnh, bền vững.

Trước đây khi đọc quyển sách “Tư duy lại tương lai” của nhóm các tác giả hàng đầu có một ý làm tôi suy nghĩ mãi và không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó là gì: “Nhà lãnh đạo vĩ đại coi các Nguyên Lý còn cao hơn cả Doanh Nghiệp của họ”. Và cho đến khi nghiền ngẫm quyển “Phương Thức Toyota” – 14 nguyên lý của tập đoàn Toyota, mọi vấn đề từ lớn đến bé đều được quy về 14 nguyên lý này thì tôi mới hiểu được điều mà tác giả muốn gửi gắm đến. Nguyên Lý Công Ty hay Văn Hóa Doanh Nghiệp đó là kim chỉ nam cho một sự hoạt động và phát triển của một doanh nghiệp.

MarNET – Nhỏ nhưng không bé

MarNET – một món quà có thể nói là vô giá trong thời gian tôi tham gia thi IPL. Chúng tôi gặp nhau, hình thành và phát triển đến tận bây giờ xuất phát ban đầu từ một triết lý rất đơn giản của chương trình “Pay It Forward”. Tài sản lớn nhất của chúng tôi hiện có là một ekip với những con người phù hợp và cùng chung một hoài bão lớn.

Văn hóa chia sẻ.
Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi không để ý tạo dựng hay tạo ngay một văn hóa có tên là chia sẻ, mà nó xuất phát từ những ý niệm hết sức đơn giản: “Tôi chia sẻ những gì tôi biết và hi vọng là nó có ích cho bạn”, “Một việc bạn mất 1 tháng để hoàn thành được nó, vậy tại sao không chia sẻ lại với những người khác để họ chỉ mất có 1 tuần thôi?”. Hàng tuần chúng tôi có những buổi café vào cuối tuần, trao đổi về mọi thứ: từ chiến lược của công ty đến các công việc hàng ngày, từ các vấn đề của quốc gia cho đến những việc của cá nhân, … đây là khoảng thời gian chúng tôi refresh lại mình sau 1 tuần làm việc căng thẳng và nạp năng lượng cho tương lai.

Learning Culture.
Văn hóa này xuất phát từ những thành viên ban đầu có chung một sở thích ham đọc sách và tìm hiểu những lĩnh vực mới. Chúng tôi hay chia sẻ với nhau những bài viết hay, những quyển sách thú vị. Một doanh nghiệp chỉ có thể lớn mạnh, phát triển không ngừng nếu nó là một doanh nghiệp học tập, có nghĩa là mỗi thành viên trong nó luôn ý thức được sự học là cho bản thân mình và sau đó mới là sự phát triển cho doanh nghiệp.

Language Culture.
Tiếng Anh, nói ra chắc chắn ai cũng khẳng định nó là quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều dừng ở mức tiếng Anh là để, nghe, nói, đọc viết giao tiếp và tiếp cận với nền tri thức thế giới. Nhưng theo chúng tôi, tiếng Anh không phải chỉ có dừng ở mức đó mà nó còn là “Văn hóa tiếng Anh”. Nói rất đơn giản, một bản hợp đồng khi ký với các đối tác nước ngoài rất chi tiết và cụ thể, nó bao gồm rất nhiều mục và nhiều nội dung. Nếu ko đọc thông viết thạo như một người bản địa làm sao có thể hiểu rõ được hợp đồng và xa hơn nữa là khi có các vấn đề tranh chấp xảy ra, sử dụng nó như một công cụ để bảo vệ mình, và đó cũng là vấn đề rất lớn đối với các Doanh Nghiệp Việt Nam khi hợp tác tới các đối tác nước ngoài. Hàng tuần, chúng tôi quy định các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 là ngày sử dụng tiếng Anh trong công ty. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ 2 của Công Ty, và theo dự định của chúng tôi, sẽ có một ngày nó là ngôn ngữ chủ yếu.

MarNET mới gây dựng được 3 giá trị trong quãng đường đầu của mình và chúng tôi đang tiến hành hoàn thiện các giá trị khác để có thể vững bước và phát triển lớn mạnh trên thị trường.

Nhà lãnh đạo vĩ đại coi Văn Hóa Doanh Nghiệp cao hơn Doanh Nghiệp của họ!


No comments:

Post a Comment