Monday, August 10, 2009

Bí Quyết Hóa Rồng!

Đề bài: Theo bạn, những “bí quyết” cốt lõi nhất đã giúp Singapore “hóa rồng” là gì? Những bài học nào từ cuốn sách này mà bạn cho rằng có thể áp dụng cho Việt Nam? Cá nhân bạn học hỏi được gì từ cách tư duy và tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu?


Bài làm:
Việc thay đổi một đất nước Singapore từ nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp để trở thành một con rồng tại Châu Á như ngày nay. Lý Quang Diệu và ekip của mình đã thay đổi chính bản thân mình, thay đổi gia đình mình và sau đó là thay đổi cả đất nước của mình.

Quyển sách “Bí quyết hóa rồng” trình bày về lịch sử phát triển của Singapore từ khi tách ra khỏi Malaysia nhưng trong đó, Lý Quang Diệu có đề cập đến rất nhiều các vấn đề liên quan đến chính trị thế giới dưới con mắt của ông, có cả những vấn đề không mấy tốt đẹp của lịch sử Việt Nam. Khó có thể kiểm chứng đúng sai, thế nhưng theo quan điểm của tôi cần thấy rõ họ đã nói và làm thế nào, để từ đó để có thể xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Nhà lãnh đạo cấp 5
Tôi sử dụng cụm từ “Nhà lãnh đạo cấp 5” để nói về Lý Quang Diệu. Trong bí quyết để hóa thành rồng của Singapore không thể không nói đến ông.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông cống hiến cho Singapore. Ngay từ những ngày đầu bao khó khăn và vất vả khi tách khỏi Malaysia, chịu trách nhiệm về cuộc sống của 2 triệu dân. Ngay việc ông chuẩn bị kỹ lưỡng và từ chức khỏi vị trí cao nhất của một đất nước phát triển. Ngay cả những việc ông làm sau này, khi ông đã rút khỏi tầm ảnh hưởng tới đất nước của mình … Tất cả đều nhắm tới một Singapore văn mình, giàu và mạnh.

Được thừa hưởng một sự giáo dục tốt từ mẹ ông và được học tập trong môi trường phương Tây. Ông đã có các bước phát triển đất nước rất văn minh, khoa học và hiện đại nhưng vẫn giữ được các bản sắc văn hóa của đất nước mình. Từ việc xây dựng quân đội, xây dựng nền kinh tế - tài chính, xây dựng nền văn hóa văn minh, lịch sự, xây dựng tiếng nói cho đất nước, … đều xuất phát từ nội lực của đất nước. Tư tưởng tự đứng trên đôi chân của mình đã được ông thông suốt với ekip của mình, với những người công nhân của mình và với đất nước mình:
Thế giới không nợ chúng ta sinh kế. Chúng ta không thể sống bằng cái bát đi xin.

Lý Quang Diệu là một lãnh đạo vĩ đại của Singapore, ông đã tập hợp cho mình một e kip những người giỏi nhất và phù hợp nhất cho đất nước. Và từ đó xây dựng và phát triển một đất nước văn minh, giàu mạnh.

Ê kip – những con người phù hợp nhất
Nếu chỉ có một mình Lý Quang Diệu, sẽ không có một Singapore như ngày nay. Một ê kíp làm việc cùng một tinh thần dấn thân vì sự nghiệp chung và gắn bó chặt chẽ. Họ biết những điểm yếu, điểm mạnh của nhau và phối hợp với nhau như một giàn giao hưởng mà Lý Quang Diệu được ví như một người chỉ huy.

Lý Quang Diệu đã chọn những người giỏi nhất và giao cho họ những vị trí quan trọng nhất. Nói theo ngôn ngữ của sách “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, giao cho những người giỏi nhất những cơ hội tốt nhất.

Tinh thần dấn thân vì sự nghiệp chung
Trong quá trình phát triển đất nước có rất nhiều các khó khăn và cản trở. Nhưng Lý Quang Diệu, Ê kíp của ông luôn tin tưởng vào con đường và những bước đi mà họ đã chọn. Nếu không có niềm tin này, họ đã không vượt qua được những thách thức từ người Anh, những người cộng sản và sau đó là từ Malay Ultras.

Sợi dây gắn kết này được tôi luyện trong suốt những cuộc đấu tranh ban đầu, có lúc tưởng như đã bị đè bẹp bởi các thế lực mạnh bên ngoài.

Xác định các bước đi chính xác và kiên định với con đường đã chọn
Ngay từ khi lên nắm chính Lý Quang Diệu và Ê Kíp của mình đã tiến hành xây dựng quân đội để có thể bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Song song với việc phát triển quân đội, các hoạt động về kinh tế cũng được đẩy mạnh để phát triển đất nước, trong thời điểm liên hiệp Anh rút quân.

Tiếp theo đó, một loạt các hoạt động về văn hóa, văn minh và ngôn ngữ được Lý Quang Diệu và những người cộng sự kiên trì từng bước chuyển đổi. Việc xây dựng một nền văn hóa mới cho một đất nước có dân trí không cao, không phải là công việc một sớm một chiều có thể hoàn thành. Việc này mất hàng chục năm trời và thực tế đã chứng minh đường hướng phát triển của Lý Quang Diệu cho đất nước là hoàn toàn hợp lý.

Nguyên tắc cơ bản giúp Singapore thành công theo lời Lý Quang Diệu:
Sự kết dính về mặt xã hội thông qua việc chia sẻ những nguồn lợi của sự phát triển, những cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người và chế độ trọng dụng nhân tài, với những người nam hoặc người nữ giỏi nhất cho công việc, đặc biệt là cho công việc lãnh đạo trong chính phủ.

Xây dựng và phát triển Việt Nam?
Bài học riêng bản thân tôi thấy áp dụng tốt nhất cho Việt Nam lúc này là chế độ trọng dụng nhân tài nhất là các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước

Hiện tại, số người có trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ trong bộ máy nhà nước không nhiều. Số người được học hành bài bản tại nước ngoài và các tư duy đổi mới, hiện đại trong bộ máy nhà nước cũng không nhiều.

Tình trạng chảy máu chất xám tại Việt Nam chưa có cách nào để hạn chế. Những vị tiến sĩ bạn tôi mà tôi quen thường nói 1 câu: Anh học cao quá, nên về Việt Nam không biết là sẽ làm gì? Trong khi đó tại nước ngoài rất nhiều người tài giỏi muốn giúp đỡ và quay trở về Việt Nam để phát triển đất nước, nhưng họ khá là khó khăn trong việc hòa nhập và phát triển đất nước.

Tiếp theo đó, có rất nhiều việc cần phải làm để phát triển đất nước: cải cách chính sách, giảm thiểu các thủ tục, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng các nguồn vốn từ nước ngoài, áp dụng công nghệ cao vào bộ máy nhà nước và phát triển đất nước, ...

Lý Quang Diệu
Như đã trình bày bên trên về Lý Quang Diệu, ông có một tư duy và tầm nhìn vĩ đại mới có thể xây dựng được một đất nước Singapore như ngày nay. Nhìn qua về quá trình phát triển của ông: được giáo dục tốt từ mẹ ông, được học tập bài bản tại một trường đại học tốt nhất của nền kinh tế mới, được tiếp xúc với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, ... Theo tôi, tất cả đều xuất phát từ thực học. Thực học của Lý Quang Diệu, thực học Ê kip của ông, thực học gia đình của ông và thực học cho cả đất nước Singapore.

Hãy thay đổi đất nước bắt đầu từ thay đổi bản thân bằng việc thực học!

1 comment: