Tuesday, July 14, 2009

Pre-work - Bàn về sự học!

Đề bài: Tưởng tượng rằng Bạn đang viết một lá thư để chia sẻ với con mình về sự học của con nói riêng và của cả xã hội nói chung. Đó là lá thư chứa đựng những điều bạn tâm huyết nhất về sự học mà bạn muốn con bạn cùng hiểu và chia sẻ. Bạn sẽ viết những gì? (Ghi chú: Độ dài từ 800-2000 từ)
Bài Làm: Bài này viết hơi chuối nhưng cũng post đại lên! ^^
Gửi 3 người con của cha. Các con chưa chào đời, nhưng đây là những gì cha đã chuẩn bị trước cho cuộc đời của các con sau này. Một cuộc đời theo cha là nỗ lực, vất vả nhưng sẽ đạt được thành quả hơn cha đã từng có. Có 1 điều đầu tiên mà các con sẽ phải ghi nhớ trong suốt cuộc đời của mình, điều mà cha đã chứng minh được trong hành trình mà cha đã trải qua đến thời điểm này và sẽ tiếp tục củng cố vững chắc hơn trong tương lai:
“Ông trời không sinh ra người đứng trên người
Ông trời không sinh ra người đứng dưới người
Tất cả, đều do sự học mà ra”
Fukuzawa Yukichi
Cuộc đời của cha quả thực rất may mắn khi gặp được những người thầy tuyệt vời. Người thầy tuyệt vời đầu tiên trong đời mà cũng là người cha tuyệt vời, chính là ông nội của các con – người mà rất nghiêm khắc với cha từ nhỏ, nhưng cũng là người luôn truyền một tư tưởng nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và đặt niềm tin rất lớn vào cha vì những gì ông chưa làm được đối với bản thân ông, gia đình và cho xã hội.
Mặc dù, cái mục đích ông đưa ra là rất tốt đẹp và vĩ đại, thế nhưng cái cách mà ông thể hiện lại và rèn luyện lại cho cha có nhiều sai lầm. Và đó cũng là vấn đề mà hầu hết các gia đình ở Việt Nam gặp phải. Họ rất mong muốn con em họ khỏe mạnh, học tập tốt và trở thành một người thành đạt, nhưng họ, rồi nhà trường, rồi xã hội đều không có 1 phương pháp: dạy và học sao cho phù hợp. Vấn đề nằm ở đâu?
Sau kỳ học cấp 2, cha con là một người như nào các con có biết không? 1 con mọt sách, học các môn tự nhiên rất giỏi, nhất là môn toán, đạt được nhiều giải về các môn toán, cờ, hội họa, … Và kỳ học cấp 3 ngoài trường chuyên bắt đầu, bây giờ nghĩ lại 3 năm đó là 3 năm cha chẳng học được cái gì cả nhưng cũng học được rất nhiều điều. Tại sao vậy?
Thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, cuộc sống của cha khác hoàn toàn những gì trước đây, hoàn cảnh, môi trường, bạn bè. Có quá nhiều cám dỗ, có quá nhiều cạm bẫy nhưng với ánh mắt của 1 con nai được thả ra từ cũi, có hiểu được rừng xanh kia, hiểm ác nhường nào.
Trong 3 năm đó, có 1 tuần liền, ngày nào cha cũng ngồi bên bãi cát và tự hỏi: “Mình là ai? Trước đây mình là thằng kia mà bây giờ mình là 1 thằng như thế này? Tại sao vậy? Mình kém cỏi vậy sao? …” Lúc đó cha kô có câu trả lời, nhưng không hiểu lúc đó có động lực nào rất lớn đã giúp cha vượt qua được những thời điểm khó khăn như thế? Nhưng hình như là vì cô bạn gái rất xinh thì phải?
3 năm cấp 3 rồi cũng trôi qua, và 5 năm Đại Học đã bắt đầu. Đã quá thấm thía về thời cấp 3 nên từ ngày lên Hà Nội, cha lao vào công việc: photo, in, trông quán net, chạy bàn, phục vụ, phát tờ rơi, … ôi thôi đủ các nghề linh tinh, cái gì hay là cha chiến. Lúc đó, cha chỉ có quan niệm duy nhất: làm cho vui. Nhưng sau này nhìn lại, những lúc đó là những lúc cha học được nhiều điều, việc xem xét, ứng xử với đồng tiền của từng loại người, hạng người khác nhau và việc xử dụng nó như thế nào cũng khác nhau.
Bước sang năm thứ 2 Đại Học, cha suy nghĩ: “Mình kô thể đi làm thuê mãi thế này được, phải có 1 cách nào đó” và tính toán tất cả sở trường thế mạnh của mình lúc đó. Cha mới quyết định mở cửa hàng Internet. Lúc đó suy nghĩ rất đơn giản, nhưng quả thực bắt tay vào làm rồi, đầu tư rồi mới phát sinh ra bao nhiêu chuyện, có những lúc rơi vào trạng thái “Bỏ thì thương, vương thì tội”, nhưng cũng có 1 động lực nào đó đã giúp cha vượt qua được những thời điểm khó khăn như thế này?
1 năm sau, cửa hàng Internet bắt đầu ổn định và cha bắt đầu hướng tới các công ty lớn. Rất mong được vào đó để cảm nhận được môi trường và không khí làm việc ở đó. Làm thế nào để vào được đó? Kiểm tra tất cả những gì mình có lúc đó là: thế mạnh về tin học, vì cha được học rất bài bản hồi còn ở trường chuyên và qua các cuộc thi tin học cho sinh viên toàn quốc và toàn thế giới cha cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Và Công Ty cha chọn lúc đó là Fsoft một Công Ty có thể nói là lớn và chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam và quan trọng hơn nữa là được làm việc với người nước ngoài.
Khi đã tham gia vào rồi, mọi việc không như cha nghĩ. Lớn mạnh thật, làm việc trong môi trường nước ngoài thật, nhưng người Việt Nam vẫn là người Việt Nam, một công ty lớn như vậy lại có rất nhiều các vấn đề mà đều là các vấn đề rất nhỏ - ảnh hưởng rất lớn, nhưng lại kô giải quyết. Quả thực, cho đến bây giờ cha vẫn chưa hiểu tại sao lại kô giải quyết được những vấn đề đó?
Khi đã chán Fsoft, cha bắt đầu tìm kiếm một công ty khác. Lần này không hướng tới tiêu chí: lớn và mạnh nữa mà là nhỏ nhưng mạnh. Và cha đã tìm được, công ty Luvina – Công Ty được thành lập bởi các sinh viên đã làm học và làm việc tại Nhật. Xét về độ chuyên nghiệp, có thể nói là hàng đầu trong những Công Ty mà cha đã từng làm. Tại đây cha đã được tiếp xúc được với tư tưởng mới, môi trường mới, được học phong cách làm việc của người Nhật và đặc biệt nhất ở đó cha có thể thử nghiệm được các ý tưởng, các thay đổi trong quy trình, trong công việc để nâng cao hiệu suất lao động. Và bắt đầu có những suy nghĩ bi quan về người Việt Nam.
Chỉ đến khi được giam dự hội thảo ITU với chủ đề “Sử dụng sức mạnh của Công Nghệ để thay đổi đất nước của bạn” tại Thái Lan, được trò chuyện, trao đổi, thảo luận và làm việc với nhau, thì cha mới biết được vị trí của Việt Nam trên thế giới như thế nào …
Điều mà cha muốn gửi gắm trong câu chuyện trên là gì? Các kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà cha học được đều do cha tổng kết, ghi nhận lại. Học mọi lúc mọi nơi, những người ta gặp hàng ngày đều có nhiều điều cho cha phải học. Bất kỳ một thành công nào đều phải trải qua sự nỗ lực và gian khổ. Nhưng các con cứ yên tâm, các con sẽ được học tập trong một môi trường giáo dục có sự định hướng rõ ràng, không phải là phương pháp “thử - thất bại – thử - thất bại” như cha đã từng làm. Các con sẽ được tự do phát triển niềm đam mê, sở trường của mình, cái mà cha chưa làm được.
Cha cũng từng băn khoăn rất nhiều về việc giáo dục và sự học của các con. Thế nhưng cha đã tìm ra được, mọi điều cha chuẩn bị cho các con đều nằm trong cuốn hồi ký “Em phải đến Harvard để học kinh tế” của Lưu Vệ Hoa. Một phương pháp giáo dục khoa học nhất cho các con và đó cũng là cái mà cha muốn gửi đến các gia đình ở Việt Nam.
“Ông trời không sinh ra người đứng trên người
Ông trời không sinh ra người đứng dưới người
Tất cả, đều do sự học mà ra”

Fukuzawa Yukichi

1 comment:

  1. Hay lắm Cảm ơn bạn nhé!
    ID: lequang_dng@yahoo.com

    ReplyDelete